Hotline 24/7

0918.01.11.83

Email liên hệ

xaki.contact@gmail.com

Địa chỉ

143 Phạm Huy Thông, Phường 6, Quận Gò Vấp, TPHCM

Kế hoạch ATLĐ, VSMT, PCCC tại dự án của XAKI

KẾ HOẠCH ATLĐ, VSMT, PCCC & ANTT TẠI DỰ ÁN

Công trình: Cải tạo, sửa chữa …………………………..
Nhà thầu thi công: Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc XAKI

Mục lục:
I. Chính sách về quản lý ATLĐ.
1. Các nguyên tắc cơ bản.
2. Các quy định của pháp luật.
3. Lập kế hoạch quản lý ATLĐ & VSLĐ.
4. Phổ biến tổ chức và thực hiện.
5. Nội dung huấn luyện ATLĐ & VSLĐ.
II. Sơ đồ tổ chức quản lý ATLĐ & VSLĐ, trách nhiệm các bên có liên quan.
1. Sơ đồ tổ chức, bố trí nhân sự công tác ATLĐ & VSLĐ
2. Nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác ATLĐ.
3. Quy định về tổ chức huấn luyện ATLĐ & VSLĐ.
4. Quy định về các chu trình làm việc đảm bảo ATLĐ.
5. Hướng dẫn kỹ thuật về ATLĐ.
6. Tổ chức mặt bằng công trường.
7. Quy định về quản lý ATLĐ & VSLĐ đối với dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân.
8. Quản lý sức khỏe và môi trường lao động.
9. Ứng phó tình huống khẩn cấp.
10. Hệ thống theo dõi báo cáo công tác quản lý ATLĐ.
11. Phương án PCCC, phòng chống lụt bão và xử lý sự cố tại dự án.
12. Biện pháp an toàn điện.
13. Biện pháp an toàn khi hàn.
14. Quy trình vận hành máy thi công.
15. Quản lý vệ sinh môi trường.
III. Kết luận.
NỘI DUNG KẾ HOẠCH ATLĐ & VSLĐ
I. Chính sách về quản lý ATLĐ
1. Các nguyên tắc cơ bản
a) Toàn bộ CB, CNV trực tiếp tham gia lao động trên công trường đều phải học tập ATLĐ và VSMT. Chỉ huy CT là người chịu trách nhiệm tổng quát, cán bộ ATLĐ và VSMT là người chịu trách nhiệm trực tiếp theo dõi, kiểm tra và bảo đảo mọi người tham gia thi công đều tuân thủ các yêu cầu về ATLĐ và VSMT.
b) Mọi người đều phải nắm bắt được:
- Mục đích, ý nghĩa của công tác ATLĐ, VSMT trên công trường.
- Nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động.
- Nội quy về ATLĐ và VSMT.
- Đặc điểm và quy trình làm việc đảm bảo an toàn đối với các máy móc, thiết bị … để có biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện.
- Các yếu tố nguy hiểm, có hại, các yếu tố có thể xảy ra khi làm việc, cách đề phòng, biện pháp xử lý khi có nguy cơ xảy ra sự cố.
- Các biện pháp y tế đơn giản để sơ cứu tại chỗ khi có người bị tai nạn.
- Trang bị bảo hộ cho người lao động
- Mua bảo hiểm lao động cho người trực tiếp lao động trên công trường.
2. Các quy định của pháp luật
- Nghị định số 37/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dần thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tại nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.
- Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật an toàn, vệ sinh lao động.
- Thông tư liên tịch 01/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT: Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất.
- Thông tư 27/2013TT-BLĐTBXH: Quy định về công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động.
- Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH: Về việc hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Thông tư 31/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương: Về việc quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện.
3. Lập kế hoạch quản lý ATLĐ & VSLĐ
a) Căn cứ để lập kế hoạch:
- Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất – kinh doanh và tình hình lao động của năm.
- Những thiếu sót tồn tại trong công tác quản lý ATLĐ được rút ra từ các vụ tai nạn lao động, cháy nổ, bệnh nghề nghiệp, từ các báo cáo kiểm điểm việc thực hiện công tác quản lý ATLĐ và bảo vệ môi trường năm trước.
- Các kiến nghị phản ánh của người lao động, ý kiến của tổ chức công đoàn và kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra.
b) Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý ATLĐ
- Sau khi kế hoạch quản lý ATLĐ được người sử dụng lao động hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt thì bộ phận kế hoạch của doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện.
- Cán bộ quản lý ATLĐ phối hợp với bộ phận kế hoạch của doanh nghiệp đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và thường xuyên báo cáo người sử dụng lao động, đảm bảo kế hoạch quản lý ATLĐ được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm định kỳ kiểm điểm đánh giá việc thực hiện kế hoạch quản lý ATLĐ và thông báo kết quả thực hiện cho người lao động trong đơn vị biết.
4. Phổ biến và tổ chức thực hiện.
- Việc tổ chức ATLĐ trên công trường xây dựng được xác định bởi quy mô công trường, hệ thống các công việc và phương thức tổ chức dự án. Các hồ sơ về an toàn và sứ khỏe cần được lưu giữ thuận tiện cho việc xác định và xử lý các vấn đề về an toàn và vệ sinh lao động trên công trường.
- Trong các dự án xây dựng có sử dụng các nhà thầu phụ cần chỉ định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm và các biện pháp về an toàn lao động cần thiết cho đội ngũ lao động của nhà thầu phụ. Có thể bao gồm việc cung ứng và sử dụng các thiết bị an toàn, phương án thực thi nhiệm vụ một cách an toàn, thanh tra và sử dụng các công cụ thích hợp. Người chịu trách nhiệm tại công trường cần đảm bảo vật liệu, thiết bị và công cụ mang vào công trường phải đạt những tiêu chuẩn an toàn tối thiểu.
- Tổ chức đào tạo ở tất cả các cấp, từ nhà quản lý, đốc công đến công nhân. Các nhà thầu phụ và công nhân của họ cũng được huấn luyện đầy đủ các thủ tục về an toàn lao động.
- Cần có hệ thống thông tin nhanh cho người quản lý công trường về những việc làm mất an toàn và những khiếm khuyết máy móc, thiết bị.
- Phân công đầy đủ nhiệm vụ về an toàn và vệ sinh lao động cho từng người cụ thể như: Cung ứng, xây dựng và bảo trì các phương tiện an toàn (rào chắn, phương tiện bảo vệ trên cao, hệ thống tín hiệu an toàn, kiểm tra các thiết bị cần trục, thang máy, thiết bị nâng hạ …), kế hoạch sơ cấp cứu và sơ tán…
5. Nội dung huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động
5.1) Đối tượng huấn luyện an toàn lao động.
a) Nhóm 1: Người làm công tác quản lý gồm:
- Giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp; người đứng đầu và cấp phó các chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; người phụ trách công tác hành chính, nhân sự; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương;
- Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã; chủ hộ kinh doanh cá thể; chủ hộ gia đình có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;
- Thủ trưởng và cấp phó: các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân; tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế đóng trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
b) Nhóm 2:
- Cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở;
- Người làm công tác quản lý kiêm phụ trách công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.
c) Nhóm 3:
- Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
d) Nhóm 4:
- Người lao động không thuộc 3 nhóm nêu trên (bao gồm cả lao động là người Việt Nam, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động)
5.2) Nội dung huấn luyện ATLĐ & VSLĐ
a) Huấn luyện nhóm 1
Nhóm 1 được huấn luyện kiến thức chung chủ yếu sau đây:
- Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Tổ chức quản lý và thực hiện các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động ở cơ sở;
- Các yếu tố nguy hiểm, có hại trong sản xuất và biện pháp khắc phục, phòng ngừa.
b) Huấn luyện nhóm 2
Nhóm 2 được huấn luyện kiến thức chung bao gồm:
- Kiến thức chung như nhóm 1;
- Nghiệp vụ tổ chức thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động tại cơ sở;
- Tổng quan về các loại máy, thiết bị, các chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại; quy trình làm việc an toàn.
c) Huấn luyện nhóm 3
Nhóm 3 được huấn luyện kiến thức chung và chuyên ngành gồm:
- Chính sách, pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Tổng quan về công việc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Các yếu tố nguy hiểm, có hại khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Kỹ thuật an toàn lao động, vệ sinh lao động khi làm công việc hoặc vận hành thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
- Xử lý các tình huống sự cố sản xuất, sơ cứu tai nạn lao động.
d) Huấn luyện nhóm 4
Nội dung huấn luyện nhóm 4 gồm 2 phần sau:
- Phần 1: Huấn luyện kiến thức chung về an toàn lao động, vệ sinh lao động (huấn luyện tập trung);
- Phần 2: Yêu cầu về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
II. Sơ đồ tổ chức của bộ phận quản lý ATLĐ, trách nhiệm của các bên có liên quan.
1. Sơ đồ tổ chức bố trí nhân sự công tác ATLĐ & VSMT
Chỉ huy trưởng công trường
Trưởng ban ATLĐ
Thành viên ban ATLĐ
2. Nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác ATLĐ & VSMT
a) Chức năng:
- Bộ phận an toàn – vệ sinh lao động có chức năng tham mưu, giúp việc cho người sử dụng lao động trong việc tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động an toàn – vệ sinh lao động.
b) Nhiệm vụ:
- Phối hợp với các bộ phận có liên quan trong công trường tiến hành các công việc sau:
+ Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn – vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong công trường.
+ Quản lý theo dõi việc đăng ký, kiểm định các máy, thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động.
+ Xây dựng kế hoạch an toàn – vệ sinh lao động hàng năm và đôn đốc giám sát việc thực hiện kế hoạch, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp.
+ Tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định về an toàn – vệ sinh lao động của Nhà nước, của công ty trong phạm vi công trường.
+ Tổ chức huấn luyện về an toàn – vệ sinh lao đông cho người lao động.
+ Kiểm tra về an toàn – vệ sinh lao động theo định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần cho các đơn vị sản xuất trực thuộc.
+ Kiểm tra môi trường lao động, theo dõi tình hình thương tật, bênh tật phát sinh do nghề nghiệp, đề xuất với Giám đốc công ty các biện pháp quản lý, chăm sóc sức khỏe lao động.
- Đề xuất tham gia kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn – vệ sinh lao động.
- Đề xuất với người sử dụng lao động biện pháp khắc phục các tồn tại về an toàn – vệ sinh lao động.
3. Quy định về tổ chức huấn luyện an toàn lao động
- An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại. Nhằm đảm bảo không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người. Ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.
- Các quy định, văn bản pháp luật về an toàn lao động:
+ Luật xây dựng 50/2014/QH13
+ Luật an toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13
+ Thông tư số 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng.
- Trong thi công xây dựng công trình luôn chứa đựng rủi ro tai nạn nên bất cứ nhà thầu nào cũng phải đặc biệt chú ý đến an toàn lao động. Một công trình xây dựng thành công không chỉ mình chất lượng mà còn song song là lao động an toàn.
- Tai nạn trong thi công công trình thường xảy ra với những thiệt hại lớn về người và của, do đó nên thực hiện đảm bảo tốt hoạt động an toàn xây dựng trong quá trình thi công đề phòng hơn là chống, tránh để sự việc xảy ra rồi mới tìm cách xử lý.
4. Quy định về các chu trình làm việc đảm bảo an toàn lao động
a) Các quy định an toàn xây dựng chung phải được áp dụng cho toàn bộ kỹ sư giám sát và công nhân thi công trên công trường như sau:
- Tất cả cán bộ, công nhân viên phải được học qua khóa huấn luyện an toàn lao động.
- Đảm bảo tất cả các trang thiết bị an toàn lao động phải được cung cấp trước khi bắt đầu thi công (mũ bảo hộ, găng tay, ủng, kính …)
- Các dụng cụ, máy móc thi công phải được kiểm tra bởi người có chuyên môn trước khi đưa vào sử dụng.
- Đảm bảo trên công trường phải đầy đủ các thiết bị thi công an toàn (dàn giáo, cầu trục, pa – lăng …)
- Tại các vị trí thăng chốt phải trang bị đầy đủ các thiết bị phòng chống cháy nổ, bình cứu hỏa, các dụng cụ bảo vệ kịp thời khi có sự cố cháy nổ.
- Cần phải có tủ thuốc theo tiêu chuẩn quy định, phải có bản hướng dẫn sơ cấp cứu khi bị chảy máu, điện giật, say nắng, say nóng, ngất xỉu, ngộ độc, ngã cao, gãy tay chân … treo bên cạnh tủ thuốc.
- Rào chắn, lưới bảo vệ, băng cảnh bảo an toàn phải được sử dụng trên công trường
- Phải đảm bảo đủ ánh sáng khi làm việc đêm.
- Phải có bộ phận phụ trách an toàn và có nhật ký an toàn lao động
b) Các công việc với máy hàn và hàn nhiệt.
- Công nhân thực hiện phải được trang bị bằng kính, găng tay, mũ
- Các bình chữa cháy luôn được đặt cạnh nơi làm việc.
- Máy hàn phải được kiểm tra cẩn thận trước khi làm việc.
c) Các công việc trên cao.
- Các công nhân phải đeo dây an toàn khi làm việc ở độ cao lớn hơn 2m
- Giáo thi công phải có đủ mâm, giằng giáo và được lắp ráp đúng cách
- Phải có thang chữ A để sử dụng trong các vị trí phù hợp
5. Hướng dẫn kỹ thuật về an toàn lao động
- Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu thi công phải kiểm tra sức khỏe, huấn luyện kỹ thuật ATLĐ và biện pháp đảm bảo ATLĐ cho tất cả cán bộ, công nhân viên trực tiếp tham gia thi công trên công trường theo TCVN 5308-91 và theo thông tư số 08/LĐTBXH – TT ngày 11/04/1995 của Bộ lao động thương binh và xã hội – Hướng dẫn công tác về ATLĐ, VSLĐ. Sau khi huấn luyện xong lập danh sách mua bảo hiểm và cấp thẻ ATLĐ cho từng người đã được huấn luyện.
- Mua bảo hiểm cho máy móc, thiết bị thi công theo quyết định số 663TC/QĐ – TCNH ngày 24/06/1995 của Bộ tài chính.
- Toàn thể cán bộ, công nhân viên làm việc trực tiếp trên công trường phải tuân thủ các quy định về ATLĐ theo TCVN 5308-91 về quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng và các tiêu chuẩn về ATLĐ theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Ban chỉ huy công trình chịu trách nhiệm trước Giám đốc doanh nghiệp thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người lao động trên công trường thực hiện những quy tắc về ATLĐ, tổ chức treo các biển báo ATLĐ ở những nơi dễ nhìn, và những vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn để nhắc nhở người lao động thường xuyên chú ý an toàn của bản thân và mọi người.
- Trong thi công xây dựng, đội trưởng là người chịu trách nhiệm trực tiếp  kiểm tra nhắc nhở công nhân trong quá trình thi công về công tác ATLĐ
- Phải kiểm tra tình trạng máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ thi công trước khi vận hành, những người không có nhiệm vụ, chưa được học tập quy trình kỹ thuật vận hành, thi không được vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị thi công.
- Để đảm bảo an toàn trong lao động, các trang bị bảo hộ cá nhân cần được kiểm tra kỹ trước khi sử dụng, cán bộ kỹ thuật hoặc tổ trưởng sản xuất chịu trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng trang bị bảo hộ cho người lao động.
- Cán bộ, công nhân khi vào công trường làm việc phải có đầy đủ trang bị bảo hộ lao động theo quy định của nhà thầu và chủ đầu tư. Không được tự ý mang theo chất nổ, chất gây cháy, vũ khí vào công trường, không được mang theo hoặc sử dụng rượu bia, chất kích thích vào công trường.
- Hết giờ làm việc phải ra khỏi công trường, ngoại trừ trường hợp được phép làm việc ngoài giờ, và chỉ được làm việc trong phạm vi cho phép.
- Đối với khách vào công trường cũng phải mang bảng tên dành cho khách, trang bị bảo hộ, tuân thủ mọi quy định của công trường và phải có người hướng dẫn trong suốt thời gian đi lại trên công trường.
- Đường điện, nước phục vụ thi công phải bố trí gọn gàng, không gây trở ngại cho người, xe cộ đi lại và các phương tiện phục vụ thi công trên công trường.
- Khi làm việc ở độ cao từ 2m trở lên hoặc chưa đến độ cao đó nhưng ở dưới chỗ làm việc có các chướng ngại vật nguy hiểm thì phải đeo dây an toàn hoặc có lưới bảo vệ bên dưới (nếu không có sàn thao tác và lan can an toàn). Khi thi công cùng một lúc ở 2 hoặc nhiều tầng trên cùng một đường thẳng thì phải có những thiết bị bảo vệ ATLĐ cho người ở tầng dưới.
- Khi cẩu lắp các cấu kiện, bắt buộc phải có sự kiểm tra của kỹ sư giám sát và cán bộ ATLĐ. Tuyệt đối không được ngồi trên kèo hoặc qua lại bên dưới cấu kiện đang cẩu, không được đùa nghịch, tổ chức ăn uống trên mái.
- Sau mỗi đợt mưa bão, có gió lớn hoặc sau khi ngừng thi công nhiều ngày liên tiếp thi phải kiểm tra lại các điều kiện an toàn.
- Trên công trường phải bố trí hệ thống đèn chiếu sáng đầy đủ, trên các tuyến giao thông đi lại và các khu vực thi công về ban đêm, không cho phép làm việc ở những chỗ không được chiếu sáng.
- Không được làm việc trên cao hoặc trên dàn giáo mái nhà từ tầng 2 trở lên khi trời tối, mưa to hoặc giông bão, gió cấp 5 trở lên.
6. Tổ chức mặt bằng công trường
a) Yêu cầu chung
- Mặt bằng khu vực đang thi công phải gọn gàng ngăn nắp, vệ sinh, vật liệu thải và các chất chướng ngại phải được dọn sạch.
- Những giếng, hầm, hố trên mặt bằng và những lỗ trống trên các sàn tầng phải được đậy kín hoặc rào ngăn chắc chắn để đảm bảo an toàn cho người đi lại.
- Khi vận chuyển đổ thải từ trên cao (lớn hơn 3m) phải có máng trượt hoặc các thiết bị nâng hạ, miệng dưới máng trượt cách mặt đât nhỏ hơn 1m, bên dưới phải có biển cảnh báo và dây cảnh báo cấm người qua lại.
- Những vùng nguy hiểm do vật thể rơi tự do từ trên cao xuống phải được rào chắn, đặt biển báo hoặc làm mái che bảo vệ.
- Khu vực đang tháo dỡ ván khuôn, dàn giáo hoặc lắp ráp các kết cấu công trường, khu vực có khí độc, chỗ các đường giao thông cắt nhau … phải có rào chắn hoặc biển báo, ban đêm phải có đèn đỏ báo hiệu.
b) Xếp đặt vật tư, trang thiết bị
- Kho bãi để sắp xếp và bảo quản vật tư, thiết bị phải được xác định trước trên mặt bằng thi công để thuận lợi cho công tác tập kết và cung cấp, với số lượng cần thiết cho thi công.
- Không được sắp xếp bất kỳ một vật gì vào khu vực công trình chưa ổn định hoặc không đảm bảo vững chắc.
- Trong kho chứa vật tư, thiết bị phải có đường vận chuyển phù hợp với kích thước của phương tiện vận chuyển.
- Vật tư phải đặt cách xa đường ô tô, đường cần trục ít nhất 2m, không xếp quá cao.
- Vật liệu rời được tập kết thành bãi nhưng phải đảm bảo sự ổn định của mái dốc tự nhiên, có che chắn và được bảo quản chặt chẽ.
- Các vật tư dễ gây cháy nổ phải bảo quản trong kho riêng theo đúng quy định PCCC hiện hành.
- Khi vận chuyển vật tư thiết bị tránh đổ vỡ, rơi vão gây mất an toàn và vệ sinh lao động.
c) Sự ngăn nắp, vệ sinh trên công trường
- Việc sắp xếp công trường ngăn nắp sẽ tránh được những tai nạn do bước hụt, vấp ngã, trượt ngã hoặc ngã vào vật liệu.
- Thu dọn vật tư, phế liệu ngăn ngắp và phân loại cụ thể.
- Làm vệ sinh trước khi nghỉ, không để cho người làm sau dọn.
- Cất dọn vật tư thiết bị chưa dùng đến.
- Vệ sinh gọn gàng khu vực làm việc.
- Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn – vệ sinh lao động.
d) Tổ chức quản lý an ninh trong công trường.
- Phải tổ chức, phân bổ chặt chẽ lực lượng bảo vệ an ninh trong công trường
- Không được lơ là trách nhiệm trong ca trực, thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở mọi người về ATLĐ & VSMT.
- Khi phát hiện có dấu hiệu khả nghi hoặc có thể gây nguy hiểm trong công trường cần phải báo cáo, bàn bạc với BCH để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
- Khi giao ca phải có sự bàn giao cụ thể, đầy đủ theo quy định công trường, phải có người tiếp nhận ca trực tiếp theo.
7. Quy định về quản lý ATLĐ đối với dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân
- ATLĐ trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm đảm bảo không làm suy giảm sức khỏe, thương tật tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất ATLĐ trong quá trình thi công xây dựng công trình.
- Quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo các yêu cầu về ATLĐ trong thi công xây dựng công trình.
- Kiểm định viên là người hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện hoặc chỉ đạo, giám sát thực hiện kiểm định kỹ thuật ATLĐ đối với vật tư, trang thiết bị.
8. Quản lý sức khỏe và môi trường lao động
a) Quản lý sức khỏe.
- Việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động phải được thực hiện từ thời điểm người lao động được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc tại cơ sở sản xuất.
- Việc bố trí sắp xếp vị trí việc làm phải phù hợp với tình hình sức khỏe của người lao động.
- Hạn chế bố trí người lao động bị các bệnh mãn tính làm việc tại các vị trí có yếu tố liên quan đến bệnh đang mắc.
b) Quản lý môi trường lao động.
- Nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện các biện pháp đảm bảo về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ mội trường xung quanh (chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải…)
- Trong quá trình vận chuyển vật liệu, phế thải phải có biện pháp che chắn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường.
- Nhà thầu thi công và Chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
- Người để xảy ra các hành vi tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình.
9. Ứng phó với tình huống khẩn cấp
- Tình huống khẩn cấp là tình trạng hay sự cố có bản chất nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng con người hay phá hủy công trình, gây tai nạn lao động, ảnh hưởng hay ô nhiễm mỗi trường xảy ra một cách bất ngờ, đòi hỏi con người phải có các hành động ứng phó tức thời (cháy nổ, sụp đổ, thiên tai, khủng bố, phát tán khí độc …)
- Hướng dẫn sơ tán mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm để giảm thiệt hại đến mức có thể.
- Các lối thoát hiểm cần được duy trì sạch sẽ, thông thoáng.
- Trang bị các biển chỉ dẫn tại các lối thoát hiểm.
- Khi nghe tín hiệu báo động thì các nhân viên phải tiến hành sơ tán theo quy định đồng thời tắt hết các thiết bị đang hoạt động.
- Tất cả phải di chuyển thật nhanh đến điểm tập trung.
- Không sử dụng vận thăng để di chuyển trong tình huống khẩn cấp,
- Trường hợp sự cố ban đêm, không có công nhân làm việc, bảo vệ phải thông báo sự việc cho chỉ huy trưởng, trưởng ban an toàn.
10. Hệ thống theo dõi, báo cáo công tác quản lý ATLĐ
- Ban hành và quản lý thống nhất hệ thống tiêu chuẩn an toàn lao động, tiêu chuẩn vệ sinh lao động đối với trang thiết bị nơi làm việc và các tác nhân có liên quan đến điều kiện lao động, tiêu chuẩn chất lượng, quy cách các loại phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Ban hành và quản lý thống nhất tiêu chuẩn quy phạm an toàn, quy phạm vệ sinh lao động, phân loại lao động theo điều kiện hoạt động, tiêu chuẩn về sức khỏe đối với các ngành nghề, công việc.
- Quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động.
- Ban hành nội dung huấn luyện, đào tạo về ATLĐ – VSLĐ
- Thanh tra, kiểm tra an toàn – vệ sinh lao động, thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Xử lý các vi phạm về an toàn – vệ sinh lao động.
- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an toàn – vệ sinh lao động
11. Phương án PCCC, phòng chống lụt bão và xử lý sự cố tại công trình
11.1) Phương án PCCC.
- Công trình nằm trong khu vực bảo vệ của Trại tạm giam B34, đường vào rộng nên thuận lợi cho giao thông PCCC khi gặp sự cố. Ngoài ra trong công trường luôn tích trữ 05m3 cát khô, có 02 bể nước dung tích 5m3, được trang bị 03 máy bơm tăng áp và 02 bình bọt cứu hỏa phục vụ cho thi công và công tác PCCC tại chỗ đối với đám cháy nhỏ, khi sự cố ngoài tầm kiểm soát của Đội PCCC thì phải lập tức báo cho cơ quan PCCC và các cơ quan chức năng để xử lý sự cố.
a) Tổ chức lực lượng chữa cháy tại chỗ.
- Đơn vị thi công đã thành lập đội PCCC và tiểu ban phòng chống lụt bão, có trách nhiệm xử lý tại chỗ khi có sự cố, và báo cho cơ quan chức năng khi sự cố ngoài tầm kiểm soát.
- Đội PCCC và tiểu ban phòng chống lụt bão luôn thường trực tại công trường, là những người đã có kinh nghiệm nhiều năm làm việc và được tập huấn thường xuyên,đảm bảo vận hành thành thạo các trang thiết bị PCCC và xử lý chuyên nghiệp khi có sự cố.
b) Phương án xử lý một số tình huống cháy.
- Khi xảy ra sự cố gây lên cháy nổ, cần thiết làm ngay công tác dập tắt đám cháy đối với đám cháy nhỏ, đối với đám cháy lớn cần phải gọi ngay cho cơ quan PCCC khu vực và các cơ quan chức năng, đồng thời phải lập tức khoanh vùng đám cháy, vận chuyển và cách ly hoàn toàn đám cháy với các chất dẫn cháy và dễ cháy bằng nước, cát và bình bọt, ngắt toàn bộ điện thi công để chống gây lên cháy chập lan rộng không thể kiểm soát.
- Đối với các sự cố nhỏ có thể xử lý tại chỗ:
+ Trường hợp cháy do dung môi, ngay lập tức dùng bình bọt CO2 để dập tắt đám cháy, hoặc dùng cát khô để vùi lấp đám cháy, khoanh vùng đám cháy không cho lan rộng.
+ Trường hợp cháy do xỉ hàn hoặc chập điện và các nguyên nhân khác, cần lập tức ngắt điện toàn bộ công trường, dùng bơm nước và bình bọt CO2 để dập tắt đám cháy.
+ Khi có lực lượng cảnh sát PCCC:
+ Chỉ huy đội PCCC tại chỗ của Đơn vị thi công phải cung cấp đầy đủ thông tin về sự cố, nguyên nhân gây ra sự cố, cung cấp sơ đồ biện pháp thoát hiểm, sơ đồ giao thông, và mặt bằng bố trí các phương tiện PCCC của đơn vị thi công, đồng thời phối hợp và chấp hành theo kế hoạch của lực lượng cảnh sát PCCC có chuyên môn nghiệp vụ cao hơn.
11.2) Phương án phòng chống lụt bão.
Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
- Di chuyển vật tư, máy móc, trang thiết bị về nơi an toàn; tổ chức kiểm đếm và thực hiện biện pháp để bảo đảm an toàn;
- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, các hạng mục đã hoàn thành hoặc đang thi công dở dang.
- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố các máy móc, trang thiết bị thi công trên cao.
- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm.
- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý hệ thống điện phục vụ thi công, ngắt điện hoặc không để rò rỉ điện.
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn và bảo vệ tài sản chung.
- Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với thiên tai.
11.3) Phương án sơ cứu khi có sự cố.
- Trưởng ban ATLĐ của Đơn vị thi công thường xuyên được học và tập huấn về nghiệp vụ ATLĐ, sơ cấp cứu tại chỗ, là người điều hành mọi công tác ATLĐ trên công trường, chịu trách nhiệm xử lý trực tiếp tại chỗ khi có sự cố, tại nạn trên công trường.
- Trong công trường luôn có tủ thuốc được đặt ở cổng bảo vệ để có thể sơ cứu tại chỗ, đồng thời bố trí hai xe máy thường trực để phòng khi có sự cố về người cần phải đưa đi cấp cứu.
- Khi có sự cố gây nguy hại về người, Trưởng ban ATLĐ cần xác định ngay tính chất nghiêm trọng của sự việc để đưa ra phương án xử lý, trường hợp không thể xử lý tại chỗ, cần sơ cấp cứu tại chỗ sau đó đưa người bị nạn đi cấp cứu tại bệnh viện chuyên ngành gần nhất (bệnh viện đa khoa trung ương Thái Nguyên).
- Khi sự cố gây nguy hiểm và có nhiều người bị nạn cần gọi ngay cho lực lượng cứu hộ địa phương và các cơ quan chức năng để được giúp đỡ. Trưởng ban ATLĐ có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý sự cố.
11.4) Số lượng vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác an toàn, PCCC và sơ cấp cứu sử dụng tại dự án.

STT  

 

Vật tư và trang thiết bị  

 

Số lượng  

 

Vị trí đặt  

 

01  

 

Bình chữa cháy khí CO2  

 

05 bình  

 

Phòng bảo vệ, phòng ban chỉ huy, kho vật tư và khu vực bãi gia công.  

 

02  

 

Bể nước chữa cháy dung tích 5m3  

 

01 bể  

 

Đặt tại cuối công trường, vị trí không thi công, thuận tiện cho triển khai công tác chữa cháy.  

 

03  

 

Bể chứa cát dung tích 2m3 (chữa cháy do dung môi, …)  

 

01 bể  

 

Đặt tại cuối công trường, vị trí không thi công, thuận tiện cho triển khai công tác chữa cháy (có bảo quản cẩn thận)  

 

04  

 

Máy bơm nước  

 

02 máy  

 

Dùng phục vụ thi công, khi cần sẽ sử dụng để cứu hỏa  

 

05  

 

Máy bơm tăng áp  

 

02 máy  

 

Dùng khi cứu hỏa ở xa hoặc trên cao  

 

06  

 

Vòi cứu hỏa d25 dài 30m  

 

01 bộ  

 

 

 

07  

 

Thùng đựng nước 18 lit  

 

5 thùng  

 

 

 

08  

 

Xẻng xúc cát  

 

05 cái  

 

 

 

09  

 

Tủ thuốc mini dùng cho sơ cứu tại chỗ  

 

01 tủ  

 

Đặt tại phòng bảo vệ và phòng vật tư  

 

10  

 

Biển cấm và các loại biển, dây cảnh báo  

 

10 biển  

 

Đặt tại các khu vực nguy hiểm  

 

11  

 

Khung lưới chắn vật rơi  

 

10 khung  

 

Đặt ở các lỗ thông tầng và các vị trí thi công nguy hiểm  

 

12  

 

Lưới chắn bụi  

 

200m2  

 

Dùng che chắn bụi không ảnh hưởng môi trường xung quanh.  

 

13  

 

Dây an toàn  

 

20 bộ  

 

Dùng cho công nhân thi công ở độ cao trên 2m hoặc những vị trí không thể làm sàn thao tác.  

 

14  

 

Và các loại vật dùng liên quan khác  

 

 

 

 

 

   
12. Biện pháp an toàn điện.
- Không chạm vào chỗ đang có điện như ổ cắm, cầu dao, cầu chì không có nắp đậy, chỗ nối dây, dây điện trần… để không bị điện giật
- Dây điện phải dùng loại dây có vỏ bọc cách điện, có tiết diện dây đủ lớn để không bị quá tải gây chạm chập phát nổ
- Phải lắp cầu dao hoặc aptomat ở đầu đường dây điện chính và đầu dây nhánh để ngăn ngừa chạm chập.
- Khi sử dụng các công cụ cầm tay phải mang gang tay cách điện để không bị điện giật khi công cụ bị rò điện
- Không đóng cầu dao, bật công tắc khi tay ướt, chân không mang dép, đứng nơi ẩm ướt
- Không để trang thiết bị điện phát nhiện ở gần đồ vật dễ cháy
- Các thiết bị điện, đồ dùng điện bị hư hỏng phải sửa chữa thay thế ngay
- Không sử dụng dây điện, thiết bị điện có chất lượng kém
- Không tới gần hoặc đưa bất kỳ vật gì đến đường gần đường dây điện 22kv trong phạm vi 2m
- Khi đấu nối với nguồn cao thế phải lien hệ với ngành điện để thỏa thuận khoảng cách an toàn
- Không đào đất gần móng cột điện gây khả năng lún, sụt cột điện
- Không lắp đặt giàn giáo, biển, hộp đèn tại các vị trí khi mà đổ rơi sẽ va quệt vào lưới điện
- Không quăng ném bất kỳ vật gì vào đường dây điện
- Khi có người bị điện giât phải tát cầu dao điện, sau đó gọi xe cấp cứu và cơ quan chức năng ngành điện để được giải cứu sớm nhất
- Sử dụng vật liệu cách điện để tách dây điện ra khỏi người bị điện giật
- Tiến hành hô hấp nhân tạo cho nạn nhân bị điện giật
- Đưa bệnh nhân tới sở y tế để thăm khám
13. Biện pháp an toàn khi hàn.
a) Yếu tố nguy hiểm khi hàn điện, hàn hơi
- Điện giật do rò, chạm, chập vào các bộ phận dẫn điện;
- Bức xạ có hại do hồ quang điện;
- Khí, bụt độc hại;
- Bổng do hạt kim loại nóng chảy, kim loại có nhiệt độ cao;
- Cháy, nổ.
b) Biện pháp an toàn chung khi hàn điện, hàn hơi.
- Thợ hàn phải có đủ sức khỏe, chứng nhận nghề, trang bị bảo hộ đầy đủ.
- Kiểm tra máy móc thiết bị trước khi làm việc.
- Máy hàn điện phải được nối đất hoặc nối không bảo vệ.
- Không dùng cột sắt, bãi tiếp địa làm cực âm khi hàn.
- Không để các chất dễ cháy nổ gần khu vực hàn (cách xa vị trí hàn 10m).
- Hệ thống điện hàn phải đảm bảo an toàn, không rò rỉ.
c) Chỉ những người hội đủ các điều kiện sau đây mới được làm việc hàn điện :
- Trong độ tuổi lao động do nhà nước qui định.
- Đã qua khám tuyển sức khỏe bởi cơ quan y tế.
- Được đào tạo nghề hàn điện, và có chứng chỉ kèm theo, đã qua huấn luyện về BHLĐ và được cấp thẻ an toàn và được cấp trên giao nhiệm vụ.
- Sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát theo chế độ: áo quần vải bạt, găng tay chịu nhiệt và có độ dẫn điện thấp, giầy da lộn cao cổ có đế cách điện, ghệt vải bạt, mặt nạ hàn có gắn kính hàn đúng mã hiệu và không bị nút, trong những trường hợp cần thiết còn được cấp mũ cứng, dây đai an toàn, khẩu trang.
d) Trong thời gian hàn đlện, các phần bằng kim loại của thiết bị hàn điện (vỏ máy biến thế hàn, máy phát điện hàn, … ) trong điều kiện bình thường không được có điện áp. Vỏ máy hàn, giá hàn, các chi tiết và kết cấu hàn phải được nối đất trước khi thiết bị được nối vào nguồn.
e) Máy phát điện và biến thế hàn, cũng như các dụng cụ và thiết bị phụ tùng dể hàn các chi tiết ở ngoài trời được đặt trong phòng nhỏ hay dưới mái che. Cấm tiến hành công việc hàn điện ở ngoài trời dưới mưa.
- Điện áp không tải của máy biến thế hàn hồ quang bằng tay và nửa tự động không được vượt quá 75 vôn, hàn tự động không được vượt quá 80 vôn. Điện áp của máy phát điện hàn không được quá 80 vôn. Nếu một số máy biến thế hàn hoặc máy phát điện phục vụ cho một máy hàn hồ quang thì sơ đồ mắc điện của chúng phải đảm bảo điện áp mạch hàn không vượt quá giới hạn trên.
f) Chiều dài dây từ nguồn điện đến thiết bị hàn di dộng không được vượt quá 10m. Lớp vỏ bọc cách điện của dây phải dược bảo vệ khỏi các hư hỏng cơ học khi rải trên mặt đất. Cấm dùng dây có lớp vỏ bọc hay cách điện bị hư.
- Trước lúc bắt đầu hàn điện và trong thời gian làm việc phải theo dõi độ hoàn hảo của vỏ cách điện của dây dẫn, độ cách điện và cách nhiệt của cán kìm hàn, sự liên kết chắc chắn của tất cả các tiếp điểm. Phải chú ý để không cho dây dẫn tiếp xúc với nước dầu, dây cáp thép, dây điện hàn phải đặt cách các ống mềm dẫn ôxy và axêtylen, các thiết bị có ngọn lửa, khí đốt, các chi tiết hàn nóng đỏ và các đường ống dẫn nước nóng không dưới 1 mét.
g) Không cho phép cấp điện trực tiếp cho hồ quang hàn từ mạng điện lực, mạng điện chiếu sáng, mạng điện tiếp xúc.
- Việc nối ngắt thiết bị hàn điện khỏi lưới, việc thay cầu chì cũng như việc theo dõi trạng thái hoàn hảo của chúng trong quá trình sử dụng phải được tiến hành bởi thợ điện chuyên nghiệp. Nghiêm cấm những người thợ hàn làm các công việc đó.
- Khi di chuyển thiết bị hàn nhất thiết phải cắt chúng khỏi nguồn điện.
h) Dây dẫn điện đi và về trong máy biến thế hàn di động đều phải được bọc cách điện .
- Nghiêm cấm dùng các mạch nối đất, các bộ phận của thiết bị điện, các đường ống kỹ thuật vệ sinh (ống dẫn nước, cấp nhiệt, dẫn các chất khí và chất lỏng nóng) cũng như các kết cấu kim loại của nhà và của thiết bị công nghệ làm dây dẫn về. Cho phép dùng vỏ xà lan, bể chứa, các kết cấu kim loại, các ống dẫn để làm dây dẫn về nếu chúng là đối tượng hàn.
-  Kìm điện phải có tay cầm làm bằng vật liệu cách điện, cách nhiệt cho phép thay thế điện cực nhanh mà không phải tiếp xúc với các phần mang điện.
- Nghiêm cấm dùng kìm điện mà lớp vỏ bọc cách điện của tay cầm bị hư.
- Cạnh chỗ hàn phải có giá đặt kìm hàn: Cấm đặt kìm hàn xuống đất hoặc gác lên vật hàn.
- Khi tlến hành hàn trong điều kiện nguy hiểm cao bởi dòng điện (hàn bên trong các khoang tàu thủy, các thùng chứa, thân lò hơi, các hộp kim loại …) người thợ phải được cấp phát các phương tiện bảo vệ cách điện (găng tay, ủng và thảm) và phải có sự theo dõi giám sát của một người thứ hai từ bên ngoài. (Trong một số trường hợp đặc biệt tay người giám sát giữ đầu mút của dây chão buộc vào eo của người đang hàn bên trong không gian kín và việc thông tin giữa hai người đó phải được qui ước bằng các động tác giật dây định sẵn trong tình trạng khẩn cấp).
- Nghiêm cấm việc đồng thời thực hiện công việc bởi người thợ hàn điện và thợ hàn hơi (hay cắt) trong các thùng kín.
- Thiết bị hàn phải có khóa liên động để tự động nối mạch khi chạm que hàn và có bộ phận khống chế hạ điện áp xuống 12 vôn khi không tải nhưng không được chậm quá 1 giây sau khi ngắt mạch điện hàn khi hàn ở những chỗ nguy hiểm.
- Khi tiến hành hàn điện trên giàn giáo bằng gỗ, sàn của nó phải được phủ kín bằng tấm kim loại, cáctông amiăng hay bằng những vật liệu khó cháy khác. Không cho phép hàn điện nếu chưa triển khai biện pháp phòng chống cháy.
- Khi tiến hành hàn điện trên một số tầng nhà (theo chiều thẳng đứng) phải có biện pháp bảo vệ những người làm việc ở tầng dưới khỏi bị các giọt kim loại , các mẩu que hàn cháy dở văng hoặc rơi trúng vào người hay các vật dễ cháy ở phía dưới.
- Nếu làm việc trên cao mà không có giàn giáo người thợ hàn nhất thiết phải dùng dây đai an toàn bền nhiệt, có túi đựng dụng cụ, điện cực và các vật cháy dở.
- Khi tiến hành hàn điện trong các vị trí ẩm ướt người thợ hàn phải ở trên sàn khô hay sàn được phủ tấm cách điện.
- Để đề phòng nhiễm bệnh và tổn thương đường hô hấp do thường xuyên hít phải hơi khói hàn, tại vị trí hàn phải tổ chức thông gió (hút, cấp) cục bộ và chung. Hàn trong các thùng kín phải :
- Cấp phát cho thợ hàn mặt nạ phòng độc có dây mềm dẫn không khí.
- Tổ chức giải lao để ra ngoài hít thở không khí trong lành.
- Nghiêm cấm hàn các bình và thiết bị đã từng chứa các sản phẩm dầu và khí nguy hiểm nổ nếu chưa qua làm sạch (xịt rửa) cẩn thận bằng nước nóng, bằng dung dịch soude hay chưng hấp với sự thông gió tiếp theo.
- Nghiêm cấm sử dụng và bảo quản các chất dễ bắt lửa : xăng, axêton, spirit trắng, …) ở gần vị trí hàn.
- Nghiêm cấm tiến hành hàn ở khoảng cách dưới 5m so với vị trí để các chất dễ cháy nổ.
- Khi sử dụng đồng thời các nguồn điện hàn một trạm cần phải đặt chúng cách nhau không dưới 0,35m.
- Đường đi giữa các nguồn điện một trạm phải có chiều rộng 0,8m.
- Khi đặt các nguồn cấp một trạm ở gần tường thì khoảng cách giữa nguồn và tường không được nhỏ hơn 0,5m.
- Khi giải lao người thợ hàn phải ngắt bộ đổi điện hàn hay biến thế khỏi lưới điện.
- Nghiêm cấm để quên kìm hàn khi vẫn còn điện áp.
- Khi kết thúc công việc, sau khi ngắt điện khỏi thiết bị hàn phải sắp xếp ngăn nắp chỗ làm việc, thu dọn dây, các dụng cụ bảo vệ và xếp đặt cẩn thận chúng vào vị trí riêng, phải tin chắc rằng sau khi làm việc không còn để lại các vật cháy âm ỉ như: giẻ, mảnh gỗ, vật liệu cách điện …
14. Quy trình vận hành máy thi công.
a) Đối với máy xúc, máy đào:
- Trước khi khởi động, kiểm tra vị trí của các loại cần điều khiển, thanh khóa số ở đâu và nó hoạt động tốt không.
- Khi khởi động ở chế độ bình thường thì cần xác định chu vi an toàn xung quanh xe, máy. Sau đó tiến hành điều chỉnh ga ở vị trí thấp nhất, đặc biệt để đảm bảo an toàn cho quy trình vận hành máy thì cần tránh khởi động động cơ ở vị trí ga cao. Khi khởi động nên kéo dài khoảng 20 giây để đảm bảo độ bền của động cơ bên trong. Nếu máy gặp trục trặc phải dừng 2 phút cho máy trở về trạng thái ổn định ban đầu rồi mới tiếp tục khởi động. Không nên khởi động liên tục trong nhiều giờ sẽ làm máy bị xuống cấp nhanh chóng.
- Trong trường hợp khởi động máy ở nhiệt độ thấp thì cần điều chỉnh nút ga nhiên liệu về vị trí thấp nhất, xoay công tắc khởi động sang vị trí gia nhiệt và cần xác định xem đèn gia nhiệt có sáng không.
- Sau khi kiểm tra xong toàn bộ quá trình gia nhiệt thì bắt đầu khởi động máy. Chú ý đèn gia nhiệt thường báo và tắt trong khoảng 10 giây. Nếu máy không khởi động được thì tắt đi và chờ trong vài phút rồi làm lại từ đầu. Không sử dụng các dịch vụ hỗ trợ việc khởi động vì nguy cơ cháy nổ rất cao.
- Ở chế độ khởi động đặc biệt, khi nhiên liệu bị hết. Cần đổ thêm nhiên liệu vào máy, xả gió nhiên liệu. Nới lỏng bulong xả gió và sử dụng bơm tay, bơm liên tục cho đến khi dầu phun ra và có kèm theo bọt gió ở tại vị trí bulong xả gió. Khi các bọt gió đã hết thì phải xiết chặt các bulong này lại và tiến hành khởi động. Nếu máy qua một thời gian dài không dử dụng thì quá trình vận hành sẽ khó khăn hơn một chút, trước khi vận hành cần kiểm tra thật kỹ các bộ phận như cần ga, cần phanh xem còn hoạt động không, xem có bộ phận nào bị rỉ sét và hư hỏng không, chỉnh công tắc khởi động về nút bật, điều chỉnh nút ga từ vị trí thấp nhất đến cao nhất và duy trì trong khoảng 3 giây, sau đó chuyển công tắc khởi động qua lại vị trí bật và bắt đầu cho máy hoạt động bình thường trở lại.
b) Đối với các loại máy gia công sắt thép:
- Trước tiên cần di chuyển máy gia công tới khu vực làm việc, đặt ở vị trí ổn định vững chắc, chuẩn bị nhiên liệu đối với máy chạy dầu và đường điện đối với máy chạy bằng điện.
- Kiểm tra các thiết bị đấu nối đóng cắt cho máy.
- Kiểm tra và đổ thêm dầu bôi trơn cho máy nếu thấy còn ít.
- Trước khi đấu điện cần phải ngắt nguồn điện, sau khi đấu điện xong cần dùng bút thử điện để kiểm tra vỏ động cơ xem có dò điện ra ngoài hay không.
- Bật công tắc chạy thư xem chiều quay của động cơ đã quay đúng chiều hay chưa, nếu quay ngược chiều thì đảo 2 trong ba đầu dây điện nguồn vào.
- Đưa những thanh thép dùng để cắt thử vào xem máy cắt hoạt động tốt không, có đúng yêu cầu cần gia công không.
- Khi vận hành máy phải luôn mang theo bảo hộ lao động: ủng và găng tay cách điện, kính mắt.
- Không sử dụng máy trong môi trường dễ cháy nổ.
- Khi di chuyển máy phải tắt máy và ngắt điện.
- Không để máy gần nơi có nhiệt độ quá cao, gần dầu nhớt hay bộ phận chuyển động.
15. Quản lý vệ sinh môi trường.
- Nước thải trong thi công, trong sinh hoạt được dẫn theo rãnh đến hố tự thấm đặt cách công trình 30m, công việc khai thông mương rãnh được tổ chức thường xuyên để tránh nước ứ đọng làm lầy lội mặt công trình.
- Vật liệu xây dựng được tập kết từng khu vực riêng lẻ, gọn gang và hợp lý.
- Vật liệu thừa, phế thải phải được tập kết tập trung và được tưới ẩm để xử lý bụi hoặc phủ kín bằng bạt khi được vận chuyển ra khỏi công trình.
- Vật liệu vận chuyển từ ngoài vào công trình khi đi phải dùng bạt che đậy thùng xe để không gây ô nhiễm môi trường
- Để đảm bảo an toàn và giữ gìn vệ sinh ATLĐ trong khu vực thi công cũng như các công trình liền kề nhau trên tổng mặt bằng thi công tại vị trí thích hợp xây một nhà vệ sinh bán tự hoại để giải quyết nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cho tất cả những người lao động trên công trường.
III. KẾT LUẬN
- Sức khỏe là điều kiện tất yếu của lao động nuôi sống bản thân và gia đình, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, do vậy việc đảm bảo an toàn, duy trì sức khỏe là điều không thể thiếu trong mọi lĩnh vực, ngành nghề.
- Đối với xây dựng, để có một công trình đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ, đằng sau đó là những con người tâm huyết, lành nghề và việc đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ là điều vô cùng cần thiết của người sử dụng lao động.
- Vì vậy cần phải đặc biệt chú trọng công tác quản lý ATLĐ & VSMT và luôn được đặt lên hàng đầu trong mọi dự án, công trình.

                                                                                                                                                                                                                                  BAN CHỈ HUY CÔNG TRƯỜNG

CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KIẾN TRÚC XAKI

Mã số thuế: 0315540640
Địa chỉ: 24/17 Đường Nguyễn Sáng, Phường Tây Thạnh, Quận Tân Phú, TPHCM
Văn phòng: 143 Phạm Huy Thông, Phường 6, Quận Gò Vấp, TPHCM
Email: xaki.contact@gmail.com
Điện thoại: 0918.01.11.83
Website:www.xaki.vn

Bài viết liên quan